BÁNH CĂN

BÁNH CĂN

Bánh căn có thể được xem là một trong những món bánh đặc trưng của cư dân vùng biển ở vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Những nguyên liệu chính tạo nên món bánh đều bắt nguồn và tận thu từ biển như nước mắm, mắm nêm, cá kho, …là những nguyên liệu sẵn có và không thể thiếu được trong bữa ăn của người dân nơi đây.
Theo dân gian, ban đầu, bánh có tên là “bánh căng”, do khi chín bánh căng phồng, giòn đều ở mặt dưới, xốp mịn ở mặt trên. Về sau, ngữ điệu địa phương khiến tên bánh có chút thay đổi và được dùng “chết” với tên “bánh căn”. Bánh căn có hình dáng gần với bánh khọt ở các tỉnh phía Nam, nhưng cách làm hoàn toàn khác. Nếu như bánh khọt là loại bột gạo "chiên" (vì có dùng dầu mỡ) thì bánh căn là loại bột gạo "nướng".  Cũng không giống bánh căn ở Ninh Thuận, Khánh Hoà (bánh có nhân thịt, hải sản các loại), bánh căn ở Bình Thuận mang đậm nét dân dã – chủ yếu là bột gạo, khách thích ăn sang thì đập một quả trứng gà đánh tan, thêm ít hành lá và đổ lên mặt bánh vừa chín tới. 
Không biết tự bao giờ, bánh căn, món ăn đậm đà hương vị xứ biển này không chỉ là món ngon đáng tự hào của cư dân địa phương mà đã trở thành một trong những điều thú vị mà bất cứ ai khi đặt chân đến vùng đất Bình Thuận cũng đều muốn một lần thưởng thức. 
Làm bánh căn thường phải có khuôn đúc đặc biệt, thường làm bằng đất nung, và có khoét nhiều lỗ tròn để đặt khuôn. Một trong những phát hiện thú vị của nhóm thực hiện đề tài là trong quá trình khảo sát từ khu vực Khánh Hoà – Ninh Thuận – Bình Thuận thì chỉ có người Chăm ở làng gốm Bàu Trúc – Ninh Thuận và người Chăm ở làng gốm Bình Đức – Bình Thuận là những người chế tác nên bộ khuôn bánh căn. Một điểm đặc biệt nữa, mặc dù người ta sử dụng khuôn bánh căn của người Chăm nhưng hoả lò và giá để khuôn lại được làm ra bởi những thợ gốm người Kinh ở xóm Hoả lò  – Thị trấn Phú Long. Theo giải thích của người làng Bình Đức – lò và giá để khuôn của người Chăm nặng và dễ vỡ hơn bộ lò của người thợ ở xóm Hoả lò. Theo nhiều nguồn tư liệu và kết quả điền dã của nhóm thực hiện đề tài tiếp cận , có thể khẳng định rằng bánh căn là món ăn lâu đời của người Bình Thuận trong quá trình Nam tiến, sự giao thoa giữa văn hoá Chăm và Kinh đã tạo nên nét đặc trưng riêng của ẩm thực tại vùng đất Bình Thuận. 

 
 
Nguyên liệu: 
Bột gạo, thịt làm xíu mại, cá kho, trứng cút/gà/vịt, hành lá, xoài xanh, tóp mỡ, da heo luộc, nước mắm tỏi ớt, nước cá kho/ mắm nêm (tuỳ khẩu vị, vùng miền). 
 

2024 @ Khoa Hotel.

Zalo
Hotline